Cơ thể cá, giáp xác có một tỷ lệ máu nhất định, một trong những yếu tố như hồng cầu, bạch cầu, tỷ lệ huyết cầu, hemoglonin và hemocyanin giảm sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu máu (Đỗ Thị Thanh Hương và Nguyễn Văn Tư, 2010). Hiện tượng thiếu máu thường xảy ra khi cá và giáp xác tiếp xúc với những chất như cadmium, chì, chloramin, nitrite… Ngoài ra, một số vitamin và khoáng chất cũng ảnh hưởng đến hiện tượng thiếu máu ở cá và giáp xác khi thiếu chúng chẳng hạn như acid folic, vitamin B12và Fe.
ACID FOLIC
Công thức cấu tạo của acid folic
Acid folic sớm được sử dụng trong khẩu phần ăn nhằm thử nghiệm chữa trị bệnh thiếu máu ở cá được nghiên cứu bởi một số tác giả như Pfiffner et al. (1946); Phillips et al. (1947); McLaren et al. (1947); Halver and Norris (1949) và Wolf (1950). Acid folic cần thiết cho quá trình tổng hợp của thymidine, purines (adenine-A, guanine-G), pyrimidines (cytosine-C, thymine-T) và một số acid amin (Thymidine, purines và pyrimidines là thành phần cấu của các acid nucleic của tế bào). Ngoài ra, acid folic liên quan đến sự chuyển đổi qua lại giữa serine và glycine, tổng hợp methionine từ cysteine, tổng hợp histidine và pyrimidine, giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa glucose trong máu và cải thiện chức năng của màng tế bào (Hartman and Buchanan, 1959). Khi thiếu acid folic làm cho sinh trưởng của tế bào chậm lại, quá trình tổng hợp hồng cầu bị suy yếu dẫn đến sự hình thành bất thường ở các tế bào máu (NRC1993; Huennekens et al., 1957, 1958; Nakao and Greenberg, 1958; Encyclopedia, 2000).Khi cá bị thiếu acid folic thì tế bào máu của cá bị suy yếu và quá trình thoái hóa các tế bào đó sẽ tiếp diễn cho đến khi chỉ còn lại các tế bào già và tế bào bị thoái hóa dẫn đến hiện tượng thiếu máu xảy ra (Halver and Hardy,2002). Nhu cầu acid folic được tính toán dựa trên tăng trưởng, hệ số thức ăn, khả năng thiếu máu và hàm lượng vitamin, đặc biệt là vitamin B12 vì có sự tương tác giữa acid folic và vitamin B12 (Hilton, 1989, Halver and Hardy, 2002). Đối với cá mú Epinephelus malabaricus giống thì 0,8mg acid folic/kg thức ăn là nhu cầu tối ưu, với lượng acid folic như vậy giúp cá cải thiện tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn tốt, lượng acid folic trong gan cao và kích thích hệ thống miễm không đặc hiệu ở cá (Ling and Shiau, 2011). Tương tự,như kết quả nghiên cứu trên cá mú, lượng acid folic cần thiết cho tôm sú (Peanaus monodon) từ 1,9–2,1mg/kg thức ăn (Shiau and Huang, 2001). Khi thức ăn thiếu acid folic và vitamin B12 sẽ làm tăng bệnh thiếu máu, do đó, việc đánh giá mức độ cho ăn với lượng acid folic và lượng thức ăn ăn vào giữ vai trò quan trọng cho việc sản xuất giống và nuôi cá thâm canh. Nấm men, thực vật có màu xanh, nội tạng của cá là những nguồn dồi dào cung cấp acid folic và acid folic cũng có thể được tổng hợp bởi vi khuẩn đường ruột, đặc biệt là ở một số loài cá sống ở khu vực nước ấm (Kashiwada et al., 1971). Một điều cần lưu ý là hoạt tính của acid folic dễ bị mất dưới ánh nắng mặt trời và dự trữ trong thời gian dài. Do đó, các nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn phải được bảo quản cẩn thận trong quá trình chế biếnvà thức ăn sau khi sản xuất nên cho cá ăn sớm để có thể đảm bảo còn hàm lượng acid folic.
CYANOCOBALAMIN (VITAMIN B12)
Công thức cấu tạo của vitamin B12
Tương tự như folic acid, vitamin B12 cần thiết cho sự sinh trưởng của nhiều vi sinh vật và cũng là yếu tố tăng trưởng của nhiều động vật (Hunter et al., 1949; Hartman et al., 1949; Ott et al., 1948; Johnson và Neumann, 1949). Vitamin B12 cần thiết cho sự chín mùi sinh dục và phát triển của tiểu cầu, có tác dụng trong biến dưỡng glucose, lipid, tham gia vào phản ứng methyl hóa, sinh tổng hợp purine và pyrimidine, chuyển hóa cysteine thành methionin (Chow, 1964; NRC, 1983; Lê Thanh Hùng, 2008). Thiếu vitamin B12, biểu hiện của heo con, gà và chuột là các tế bào máu bị dị hình, tăng trưởng chậm và bị thiếu máu (West et al., 1966). Thông thường, ở cá khi thiếu vitamin B12 thì số lượng hồng cầu giảm, hoạt động của hemoglobin bất thường, cá giảm ăn, tăng trưởng kém, hiệu quả sử dụng thức ăn thấp, sắc tố mật có màu đậm, bị thiếu máu (Halver, 1957). Cá có thể kháng lại hiện tượng thiếu máu khi tiêm vitamin B12 hoặc kết hợp tiêm vitamin B12 và acid folic vào cơ thể cá (Halver and Hardy, 2002). Biểu hiện của cá hồi khi thức ăn thiếu vitamin B12 là tăng trưởng, số lượng hồng cầu, tiểu cầu của cá giảm và bị thiếu máu (Lê Thanh Hùng, 2008). Tuy nhiên, ở cá rô phi (Tilapia nilotica), cá chép, cá da trơn Mỹ khi thiếu vitamin B12 vẫn không ảnh hưởng đến tăng trưởng của cá và cũng không có dấu hiệu bệnh lý xảy ra có thể do vi khuẩn tổng hợp vitamin B12 trong ruột cá đảm bảo đủ nhu cầu cho cá (Lovell and Limsuwan, 1982; Shiau and Lung, 1993). Vitamin B12 có nhiều trong bột cá, bột nội tạng, gan, thận, nó còn có thể được tổng hợp bởi một số vi khuẩn trong ruột cá (Kashiwada et al.,1970; Sugata, 1990, 1991). Vitamin B12 ổn định trong môi trường trung tính, dễ bị phân hủy trong môi trường aicd, kiềm và nhiệt, vì vậy, điều kiện bảo quản thức ăn nên phù hợp để đảm bảo hoạt tính của vitamin B12.
SẮT (Fe)
Sắt (Fe) là yếu tố cần thiết cho sự sống, nó tham gia vận chuyển oxy, phản ứng hô hấp, tổng hợp ADN và có chức năng miễn dịch, cá có thể lấy Fe từ môi trường nước và thức ăn (Bury et al., 2011). Trong cơ thể sinh vật Fe tồn tại ở dạng hợp phần heme (hemoglobin và myoglobin), enzymes heme (mitochondrial, microsomal cytochromes, catalase, peroxidase…) và không phải hợp phần heme (transferrin, ferritin, ferredoxins, dehydrogenases). Fe hiện diện trong thức ăn chủ yếu ở dạng hữu cơ liên kết với protein như hemoglobin, myoglobin và các thành phần khác. Khả năng hấp thu của Fe phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe, dạng Fe tồn tại và ống tiêu hóa của cá (Hallberg, 1981; Forbes and Erdman, 1983; Wienk et al.,1999). Thức ăn là nguồn cung cấp Fe chủ yếu, vì vậy, thành phần vô cơ, hữu cơ có trong thức ăn cũng ảnh hưởng đến khả năng hấp thu Fe của cá. Ngoài ra, khả năng hấp thu Fe có thể thay đổi bởi dịch tiêu hóa hoặc giảm một chất nào đó trong thức ăn chẳng hạn như acid ascorbic có thể làm tăng khả năng hấp thu Fe. Cơ chế hấp thu, dự trữ và bài tiết Fe giữa các động vật có xương sống tương tự nhau. Phần lớn Fe được hấp thu từ lớp nhu động của ruột, một lượng nhỏ được hấp thu qua mang. Việc bổ sung Fe vào nước giúp cá Xiphophorus helleri và X. maculatus tăng trưởng tốt và giàu hemoglobin (Roeder and Roeder, 1966).
Hiện tượng thiếu Fe thường ít xảy ra trong điều kiện nuôi cá nhân tạo. Tuy nhiên, thức ăn cá thiếu Fe dẫn đến hiện tượng thiếu máu hay hay lượng hemoglobin thấp như ở cá hồi brook (Kawatsu, 1972), cá hồi cầu vồng (Desjardins, 1985), cá hồi đại tây dương (Bjornvic and Maage, 1993;Andersen et al., 1996; Lall, unpublished data), cá vền đỏ (Sakamoto and Yone, 1976a, 1978b), cá đuôi vàng (Ikeda et al., 1973), cá chình (Nose and Arai,1979) và cá chép (Sakamoto and Yone, 1978c). Ở cá da trơn, khi thiếu Fe dẫn đến tỷ lệ huyết cầu, hemoglobin và huyết tương giảm và là nguyên nhân dẫn đến bão hòa transferrin (một loại protein máu) (Gatlin and Wilson, 1986b).
Nhu cầu Fe của các loài cá trong khoảng 30–50 mg/kg thức ăn (Lê Thanh Hùng, 2008). Cụ thể, nhu cầu Fe của cá da trơn (Gatlin and Wilson, 1986b), cá vền đỏ (Sakamoto and Yone, 1976a, 1978b), cá chình (Nose and Arai, 1979) và cá hồi đại tây dương (Bjornvic and Maage, 1993; Andersen et al., 1996) lần lượt là 30, 150, 170 và 100 mg/kg thức ăn. Tuy nhiên, nếu hàm lượng Fe cao có thể gây độc cho cá, ngộ độc Fe sẽ làm giảm tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn kém, tăng tỷ lệ chết, mô và tế bào bị tổn thương. (Desjardins, 1985)
Thức ăn có nguồn gốc động vật hoặc các sản phẩm từ sữa rất giàu Fe. Cụ thể, bột cá và bột thịt chứa từ 150 đến 800 mg Fe/kg, các nguồn ngũ cốc chứa từ 30 đến 60 mg Fe/kg, protein hạt dầu chứa từ 100 đến 200 mg Fe/kg, Calcium phosphates và đá vôi chứa 2000 mg Fe/kg. Ngoài ra, có thể bổ sung Fe vào thức ăn ở dạng premix, các premix cung cấp Fe dưới dạng sulfate, chloride và citrate. Đối với cá vền đỏ thì ferrous chloride (FeCl2), ferric chloride (FeCl3), ferrous sulfate (FeSO4) có hiệu quả như nhau trong việc ngăn chặn bệnh thiếu máu ở và tốt hơn so với ferric citrate (Sakamoto and Yone (1979c)
nguồn: UV-VN